Để kịp thích ứng với việc học sinh phải nghỉ dài ngày vì dịch bệnh COVID-19, các địa phương đã chủ động thay đổi phương thức học tập và ôn thi Trung học Phổ thông quốc gia cho học sinh. Học qua truyền hình, ôn thi online… là những cách được nhiều tỉnh, thành đang áp dụng.
Chuyển hướng dạy – học qua truyền hình
Sau 1 tháng nghỉ học do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 2.3, học sinh lớp 12 tại 60 tỉnh thành trên cả nước đã quay trở lại trường. Tuy nhiên, những ngày qua tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Việt Nam có thêm những ca nhiễm virus SARS- COV-2 mới. Học sinh trở lại trường trong tâm trạng lo lắng, nên nhiều địa phương đã ra quyết định cho học sinh nghỉ học sau 1 tuần trở lại trường.
Đặc biệt, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng biến với việc học sinh có thể phải nghỉ học dài ngày, các tỉnh thành đã linh động chuyển qua phương thức đào tạo từ xa. Bước đầu, đối tượng áp dụng phương thức đào tạo này là học sinh lớp 9, lớp 12, nhằm giúp các em chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi chuyển cấp.
Theo đó, từ 9.3, học sinh lớp 9 và 12 ở Hà Nội đã thực hiện học qua truyền hình. Ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – cho biết, theo chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lên phương án, xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học qua truyền hình.
Cụ thể, sẽ có 12 môn học được phát sóng bắt đầu từ 9.3, mỗi môn học kéo dài trong 30 phút. Các bài giảng truyền hình là bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 – 2020, do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy. Mục đích thực hiện việc dạy học qua truyền hình là nhằm góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia 2020.
Những ngày qua, đúng 14h30, Nguyễn Quốc Hưng (học sinh lớp 12 trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bật sẵn tivi và chuẩn bị sách vở để học qua truyền hình. Được hỏi về cảm nhận khi trải nghiệm phương thức học mới trong mùa dịch, Hưng cho biết, tiết học rất thú vị. Giáo viên được lựa chọn dạy qua truyền hình đều là những thầy cô em nghe tiếng đã lâu mà chưa có cơ hội học tập. “Không chỉ giảng bài dễ hiểu, lôi cuốn, mà các giáo viên rất biết cách tương tác với học sinh thông qua việc giao bài tập. Em cũng có thể dễ dàng theo dõi lại các video bài giảng trên mạng xã hội, có thể học tập mọi lúc, mọi nơi” – Hưng chia sẻ.
Không chỉ ở Hà Nội, thời gian học sinh nghỉ học phòng bệnh COVID-19, nhiều địa phương khác cũng kết hợp với các đài truyền hình để phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cũng như các chương trình vui mà học khác. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh phối hợp Đài truyền hình TP phát sóng chương trình ôn tập lớp 9 lúc 8h đến 11h từ thứ hai đến thứ sáu; lớp 12 lúc 14h đến 17h từ thứ hai đến thứ sáu trên kênh HTV Key.
Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long cũng thực hiện các tiết ôn tập phát trên THVL4 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh lớp 9 và 12 từ thứ hai đến thứ bảy, sáng từ 10h15-11h, chiều từ 13h đến 13h45.
An Giang cũng tổ chức chương trình ôn luyện cho học sinh lớp 9 và 12 lúc 10h và chiều là 15h mỗi ngày trên truyền hình. Trà Vinh, Nam Định, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hưng Yên và nhiều địa phương khác cũng đã thực hiện việc này, như một cách ứng phó trong tình hình dịch bệnh, vừa giúp học sinh ôn luyện kiến thức, vừa tránh lây lan dịch bệnh trong trường học.
Khi các thầy cô “hóa MC truyền hình”
Giàu kinh nghiệm dạy học nhưng chưa quen với ống kính, trường quay, nên để chuẩn bị cho mỗi tiết học, ôn thi qua truyền hình là sự nỗ lực, hy sinh rất lớn của mỗi người thầy.
Chiều 11.3, khi có mặt tại trường quay của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, dù hơn 14h mới đến lịch lên sóng, nhưng thầy cô đã có mặt từ rất sớm, ăn trưa qua loa để dành thời gian “tập làm MC”. Vì sự nỗ lực đó mà tiết học qua truyền hình dù không có bảng đen phấn trắng, dù không có gương mặt học trò trong lớp, nhưng vẫn vô cùng sinh động. Đứng trước máy quay, giáo viên có đủ cách để tương tác, biến tiết học thành những game (trò chơi) thú vị.
Để chuẩn bị giáo án cho tiết học, cô Lê Thị Thu (giáo viên môn Lịch sử trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành) và nhiều giáo viên khác đã làm việc theo nhóm, cùng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm để làm sao nói lưu loát như MC truyền hình. Công việc này tốn nhiều thời gian của giáo viên nhất.
“Khó khăn nhiều lắm, vì dạy học trên truyền hình khác so với môi trường dạy học ở trên lớp. Ví dụ không có sự tương tác trực tiếp giữa học sinh và thầy cô. Điều đó trước hết là ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên và cảm xúc của giáo viên. Nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nên cả thầy và trò sẽ cùng nỗ lực. Một trong những kinh nghiệm mà tôi rút ra sau những buổi dạy học qua truyền hình là hãy hình dung ra máy quay cũng như học sinh của mình” – cô Lê Thị Thu chia sẻ kinh nghiệm.
Còn với cô Phạm Thị Thanh Huyền (giáo viên Trường THPT Việt Đức, Hà Nội), dù tại trường cũng thường xuyên dạy bằng giáo án điện tử, nhưng vẫn khó tránh cảm giác run, hồi hộp khi đứng trước máy quay.
Sau khi soạn giáo án, cô và các giáo viên sẽ phải tập giảng, tập đứng trước máy quay sao cho tự nhiên nhất. Và những tin nhắn động viên của học trò qua mỗi tiết dạy chính là động lực để mỗi người thầy hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời kỳ toàn dân ứng phó, chiến thắng dịch bệnh.
Theo báo điện tử: laodong.vn