TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam cho rằng dạy học đại trà trên truyền hình là khả thi nhất, vừa đảm bảo kiến thức lẫn sức khoẻ, an toàn cho học sinh, nhất là đối với bậc học phổ thông.
Thưa TS Lê Viết Khuyến, ngày 20.2, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp dạy học đại trà qua kênh truyền hình cho học sinh, sinh viên trong mùa dịch COVID-19. Từ lý do nào mà hiệp hội đưa ra đề xuất này, thưa ông?
“Trong thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ tránh dịch COVID-19, một số trường đã chủ động thực hiện việc dạy học trực tuyến, tôi cho rằng đây là một việc làm rất tốt.
Môn học nào cũng có học phần lý thuyết và thực hành, vì thế các trường có thể dạy học trực tuyến lý thuyết trước, song hành học thực hành tại trường (theo từng nhóm nhỏ) hoặc sau.
Tuy nhiên, hình thức dạy trực tuyến qua hệ thống, quay video… cũng gặp khó khăn vì điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến không dễ. Không phải học sinh, sinh viên nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, Ipad… để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà. Vậy tại sao chúng ta không phục hồi việc dạy học trên truyền hình cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học?
Sau khi nghiên cứu về tính khả thi, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi kiến nghị dạy học đại trà trên truyền hình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thực tế việc dạy học cần sự tương tác, nhất là với học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên Việt Nam chưa có nhiều tự giác, nếu không có giáo viên kèm cặp thường sẽ rất khó. Ông nghĩ sao về tính khả thi khi áp dụng dạy học đại trà trên truyền hình?
Đúng là dạy học cần tương tác qua lại giữa thầy và trò nhưng trong tình hình dịch bệnh như thế này, tôi cho rằng dạy học trên truyền hình là khả thi nhất, vừa đảm bảo kiến thức lẫn sức khoẻ, an toàn cho học sinh, nhất là đối với bậc học phổ thông.
Trước đây, chúng ta đã thực hiện dạy học trên truyền hình rất nhiều và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì tuy rằng thời gian ít hơn. Hiện cả nước có rất nhiều kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương, là lợi thế để triển khai dạy học.
Theo tôi, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố.
Các sở giáo dục và đào tạo sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình. Học sinh ở nhà hoặc vài ba em cùng ngồi theo dõi thầy cô dạy trên ti vi để học.
Việc giảng dạy trên truyền hình cũng có điểm mạnh là nội dung giảng bài được lưu lại. Vì thế, học sinh có thể vào đường link của đài truyền hình để tải về hoặc xem trực lại. Cũng có thể dùng hệ thống báo in để đăng nội dung đáp án bài tập giáo viên giao, trả lời những câu hỏi phổ biến mà học sinh thắc mắc.
Trong trường hợp học sinh chưa hiểu thì có thể liên hệ với giáo viên bộ môn tại trường để xin giải đáp thêm.
Ở phổ thông, kiến thức học cơ bản theo chương trình chuẩn. Tuy nhiên ở bậc đại học, chương trình mỗi trường lại khác nhau. Vậy phương pháp học trên truyền hình có thực hiện được không, thưa ông?
Các trường đại học, cao đẳng có những môn học đại cương, áp dụng chung cho sinh viên năm như lý luận Mác – Lênin, Lịch sử Đảng, thống kê… Với những môn học này hoàn toàn có thể thực hiện giảng dạy trực tuyến trên truyền hình. Ngoài ra, các môn chuyên ngành có phần lý thuyết cũng áp dụng được giảng dạy trên truyền hình.
Với những phần thực hành thì nhà trường có thể bố trí học trực tiếp tại trường sau khi tình hình dịch bệnh ổn định.
Theo ông, mô hình này có mất nhiều thời gian, điều kiện cơ sở vật chất để chuẩn bị hay không?
Tôi cho rằng không nhiều, thậm chí ngay ngày mai có thể triển khai được ngay. Đài truyền hình đã có sẵn phòng thu, đội ngũ nhân lực, họ chỉ cần thay đổi chương trình phát.
Các giáo viên cũng đều có bài giảng, giáo án sẵn. Nhiều người cũng đã làm quen với việc đứng trước máy quay, không có sinh viên để giảng bài rồi nên sẽ không gặp nhiều trở ngại.
Điều cần thiết nhất là quyết tâm cao từ những người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương, sự chung tay vào cuộc của toàn hệ thống, các đài truyền hình, nhà trường, phụ huynh và học sinh. – Xin cảm ơn TS Lê Viết Khuyến!
Theo báo điện tử: laodong.vn